Ðối
thoại với nhân dân là cầu nối quan trọng, giúp cho việc lãnh đạo của cấp ủy và
điều hành của chính quyền các cấp sát đời sống, gần với nhân dân, góp phần xây
dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, lắng nghe, phục vụ người dân.
Thực
hiện các quy định của Đảng về trách nhiệm Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tham gia xây
dựng Đảng, xây dựng chính quyền, năm 2017, sau khi báo cáo chủ trương và được
Thường trực Tỉnh ủy đồng ý, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành Kế hoạch
số 204/KH-MTTQ-BTT ngày 13/4/2017 về tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch
HĐND và Chủ tịch UBND cấp xã với nhân dân. Bước đầu, chọn mỗi huyện, thành, thị
3 đơn vị cấp xã để làm điểm. Từ chủ trương và kế hoạch của tỉnh, Ban Thường trực
Ủy ban MTTQ các huyện, thành, thị đã chủ động báo cáo cấp ủy, phối hợp với UBND
cùng cấp xây dựng kế hoạch, lựa chọn đơn vị để hướng dẫn triển khai thực hiện,
kết quả tại 63 điểm đối thoại đã có hơn 7.520 người dự, trên 700 lượt ý kiến, với
1.070 vấn đề được nhân dân đề cập liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa
phương, như công tác quản lý đất đai, cấp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
xây dựng nhà văn hoá khối xóm, việc giải toả hành lang an toàn giao thông; công
tác quản lý nghĩa trang; hệ thống lưới điện nông thôn xuống cấp; các khoản thu
trong nhân dân chưa rõ ràng… Nhìn chung, ý kiến nhân dân nêu ra đã được người đứng
đầu cấp xã trao đổi, đối thoại được nhân dân đồng tình. Một số vấn đề chưa được
giải đáp thỏa đáng đã được nhân dân chất vấn trở lại, tạo không khí đối thoại
dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm. Từ hiệu quả làm điểm, Ban Thường trực Ủy ban
MTTQ tỉnh đã đánh giá rút kinh nghiệm, báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy để tổ chức
thực hiện trên toàn tỉnh, mỗi năm 2 lần.

Năm 2019, rút kinh nghiệm sau 2 năm đối thoại ở
cấp xã, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tham mưu để Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn
số 4063-CV/TU ngày 07/01/2019 yêu cầu các huyện, thành, thị ủy triển khai, tổ
chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện với nhân dân;
đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo việc tổ chức đối thoại ở cấp xã. Thực
hiện chủ trương của Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch,
hướng dẫn MTTQ cấp huyện và cấp xã phối hợp tổ chức thực hiện, theo đó ở cấp xã
mỗi năm đối thoại 2 lần và cấp huyện từ 5 đến 7 cuộc. Theo báo cáo của các huyện,
thành, thị sau gần 3 năm thực hiện, cả hai cấp trên toàn tỉnh đã tổ chức được
1.879 hội nghị đối thoại, có trên 198.590 lượt người tham dự, với 25.721 ý kiến
đối thoại của nhân dân. Tại các hội nghị đối thoại, nhân dân đã thẳng thắng,
trao đổi nhiều vấn đề liên quan trong công tác quản lý, điều hành của cấp ủy,
chính quyền cấp huyện và cấp xã. Qua đó, giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền
kịp thời nắm bắt và đề ra các giải pháp xử lý, tạo niềm tin trong nhân dân, góp
phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt hơn dân chủ cơ sở.
Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền được
nâng lên. Mối quan hệ giữa MTTQ, các tổ chức thành viên với chính quyền ngày
càng gắn bó, chặt chẽ, hiệu quả.
Tuy
nhiên, việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân
dân tại một số địa phương vẫn còn hình thức; còn đồng nhất giữa tiếp xúc, đối
thoại với tiếp xúc cử tri và tiếp công dân. Phương pháp, cách thức điều hành đối
thoại một số nơi còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt, chưa gợi mở được cho người dân
phát biểu nhất là những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của chính quyền cơ sở;
việc trả lời của chủ trì đối với một số nội dung chưa thỏa đáng, chưa xác định
rõ trách nhiệm và chưa đề ra được các giải pháp, thời gian giải quyết vấn đề
Nhân dân đặt ra, phần nào chưa làm thỏa mãn ngưới dân tham gia đối thoại. Vai
trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc nắm bắt tình hình
nhân dân, giám sát việc thực hiện các kết luận sau đối thoại còn hạn chế.
Có
thể khẳng định rằng, hoạt động đối thoại là một nấc thang cao trong thực hiện
dân chủ ở cơ sở, thông qua đối thoại giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt tâm tư,
nguyện vọng, ý kiến của nhân dân, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, những vấn đề
phức tạp phát sinh trong nhân dân ngay từ khi mới “manh nha”, góp phần không nhỏ
hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở. Năm 2019, Bộ
Chính trị đã ban hành quy định số 11-QĐi/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp
ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến
nghị của dân. Đến nay, các cấp ủy đảng đã triển khai thực hiện nghiêm túc quy định
của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, trách nhiệm đối thoại không chỉ trong công tác tiếp
dân, xử lý những phản ánh kiến nghị của dân mà cần phải được mở rộng trên tất cả
các lĩnh vực của đời sống xã hội và phải được thực hiện ở các cấp chính quyền.
Vì vậy, để hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền
với nhân dân thực sự phát huy hiệu quả, các cấp thực hiện đối thoại cần xây dựng
kế hoạch cụ thể, trong đó phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung chính của
cuộc đối thoại; thời gian, địa điểm; phân công trách nhiệm chuẩn bị cả về nội
dung và điều kiện vật chất cho các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm để cuộc đối
thoại đạt được hiệu quả tốt nhất. Cùng với việc chuẩn bị kế hoạch, cần lưu ý một
số vấn đề sau đây:
Một
là, cần tạo ra môi trường tâm lý thoải mái giữa người chủ trì và người dân tham
gia đối thoại. Đó là thái độ chân thành, cởi mở, thẳng thắn, bình đẳng và thể
hiện sự tôn trọng nhau. Chỉ có như vậy, người dân mới mạnh dạn trình bày hết những
ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình (kể cả ý kiến trái chiều đôi khi cũng rất
cần thiết cho việc nghiên cứu nắm bắt dư luận, dự báo tình hình tư tưởng của
nhân dân).
Hai
là, chủ trì đối thoại phải nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người
dân ở nơi sẽ tổ chức đối thoại. Tại hội nghị, chủ trì đối thoại phải biết cách
gợi mở vấn đề để nhân dân thảo luận, tranh luận đúng hướng trong quá trình đối
thoại. Muốn vậy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải luôn sâu sát cơ sở, nắm
vững những vấn đề của địa phương, thường xuyên trau dồi kiến thức, tích lũy
kinh nghiệm để có tầm hiểu biết sâu, rộng và kỹ năng đối thoại tốt.
Ba
là, chủ trì đối thoại phải thật bình tĩnh, tự tin và khéo léo, tế nhị, kiên định
nhằm “lái” cuộc đối thoại theo hướng tích cực, luôn sẵn sàng tán thành và ủng hộ
những ý kiến thẳng thắn, đúng đắn từ phía người dân. Trong trường hợp có ý kiến
trái ngược, cần phải biết tự kiềm chế thuyết phục đối tượng; đối với những vấn
đề cần phản bác cũng phải được dựa vào các quy định của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước và các cơ chế của địa phương, chứ không phải bằng quy kết, áp
đặt ý kiến chủ quan của mình.
Bốn
là, chủ trì đối thoại phải có khả năng tổng hợp ý kiến qua cuộc đối thoại để
phúc đáp, trả lời những ý kiến, kiến nghị của người dân một cách rõ ràng. Điều
quan trọng và có ý nghĩa chính trị nữa, đó là dựa trên lập trường, quan điểm của
Đảng, chủ thể phải kết luận được những vấn đề cốt lõi nhất của cuộc tiếp xúc, đối
thoại; đồng thời, nêu được chính kiến có tính định hướng tư tưởng đối với người
dân. Đối với những vấn đề không đủ thông tin hoặc thuộc thẩm quyền của cấp dưới
thì chủ trì đối thoại phải giao trách nhiệm rõ ràng cho cơ quan, cấp có thẩm
quyền xem xét trả lời người dân sau đối thoại, tránh tình trạng đùn đẩy trách
nhiệm qua lại giữa các cơ quan, cấp có thẩm quyền làm giảm niềm trong nhân dân,
thậm chí có thể khiến cho không khí cuộc đối thoại trở nên phức tạp và căng thẳng.
Năm
là, MTTQ phải cấp đối thoại phải làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu
và tích cực tham gia hoạt động đối thoại; thường xuyên nắm bắt dư luận, tình
hình nhân dân nhất là các vấn đề bức xúc, có nhiều ý kiến để tổng hợp phảm ánh
cho cấp ủy, chính quyền xem xét, giải quyết; tăng cường, nâng cao hiệu quả giám
sát, đặc biệt là giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết
các kiến nghị của nhân dân sau đối thoại.
Đối
thoại với nhân dân không chỉ là trách nhiệm gần dân, trọng dân, “lắng nghe tâm
trạng nhân dân” của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền mà còn là cách làm hiệu
quả để phòng chống quan liêu, mệnh lệnh. Tiếp xúc, đối thoại với nhân dân không
phải là việc làm hoàn toàn mới, song luôn mang tính thời sự, là phương pháp rất
phù hợp, hiệu quả trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát huy quyền
làm chủ của nhân dân và định hướng dư luận xã hội. Bởi vậy, người đứng đầu cấp ủy,
chính quyền các cấp cần nắm vững và vận dụng một cách linh hoạt các phương pháp
đối thoại trực tiếp để góp phần nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại với nhân
dân trong tình hình mới.
|